Theo dữ liệu mới nhất từ nền tảng phân tích blockchain Glassnode, độ khó khai thác của Bitcoin tính đến hiện tại đã mất hơn 1,26% sau khi tăng trưởng khoảng 4,13% vào cuối tháng 3 năm nay.
Hashrate Bitcoin cũng phải chịu hậu quả tương tự khi rớt về ngưỡng 202 EH/s kể từ mức đỉnh cao nhất trong lịch sử được thiết lập vào ngày 14 tháng 2 tại 248,11 EH/s.
Vậy hai chỉ số này có tác động như thế nào đối với Bitcoin? Về cơ bản, hashrate là chỉ số tương quan với khả năng tính toán mà thiết bị đào của người khai thác yêu cầu để xác nhận giao dịch. Trong khi đó, độ khó khai thác Bitcoin được tự động điều chỉnh dựa trên hashrate, để giữ cho thời gian cần thiết khai thác một khối gần như ổn định ở mức 10 phút. Hashrate càng cao thì độ khó càng cao và ngược lại. Đây cũng thường được xem là một trong những động lực quan trọng giúp củng cố giá trị Bitcoin theo xu hướng dài hạn.
Trở lại với hai tháng gần đây, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp sự trùng hợp ở những đợt điều chỉnh giá Bitcoin có mối quan hệ khá gắn bó với dữ liệu trên. Lần đầu tiên là vào ngày 03/03/2022, độ khó đào BTC sụt giảm đến 1,5%, kéo theo sự suy thoái ngay sau đó từ 45.000 USD xuống còn khoảng 38.000 USD của Bitcoin.
Tiếp đến vào ngày 18/03/2022, độ khó tiếp tục duy trì giảm lần hai với mức 0,35%, hậu quả để lại là Bitcoin đã dump 2.000 USD chỉ trong một ngày.
Đáng chú ý, Kazakhstan là quốc gia chiếm thị phần hashrate lớn thứ ba trên thế giới (18%), chỉ đứng sau Nga (11,2%) và Hoa Kỳ (35,4%). Nhìn chung, đối chiếu theo biểu đồ độ khó khai thác và hashrate từng năm, dĩ nhiên chúng ta vẫn ghi nhận sự gia tăng liên tục ở cả hai chỉ số, điều này cho thấy nhu cầu đối với Bitcoin vẫn ở mức cao bất chấp điều kiện thị trường diễn biến ra sao theo chu kỳ lịch sử.
Tuy nhiên, xét theo bức tranh hiện tại, khi Bitcoin liên tục mất giá cùng hashrate lẫn độ khó đào đảo chiều, sẽ tạo nên áp lực bán ngày càng lớn, có thể đẩy Bitcoin xuống sâu hơn trong ngắn hạn.