Chiêu trò gian lận crypto trên LinkedIn thường bắt đầu với lời chào mời “béo bở” từ nhân viên mạo danh sàn giao dịch uy tín.
Theo một bài đăng trên Twitter hôm qua của Giám đốc điều hành Binance Changpeng Zhao, chỉ có khoảng 50 trong số 7.000 người dùng tự xưng là nhân viên của sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới trên Linkedin là có thật. CEO bày tỏ sự ngán ngẫm vì Linkedin thiếu hệ thống xác thực ID.
“Tôi ước gì LinkedIn tích hợp thêm tính năng xác minh người dùng. Hiện có nhan nhản scammer trên nền tảng này. Hãy cẩn thận.”
Kẻ lừa đảo thường vẽ ra một profile “màu hường”, mạo danh đến từ các công ty nổi tiếng cùng với mạng lưới kết nối rộng rãi trên LinkedIn để đánh vào lòng tham của nạn nhân.
Sau khi săn lùng được nạn nhân, scammer sẽ gửi một tài liệu qua email hoặc Telegram bao gồm chi tiết quy trình niêm yết token cùng với yêu cầu đặt cọc bắt buộc cho “dịch vụ”. Ngay sau khi nạn nhân chuyển tiền đến địa chỉ được yêu cầu, kẻ lừa đảo sẽ lập tức xóa/chặn đứng mọi đường liên lạc và cuỗm sạch tiền bỏ chạy.
Như đã được đặc vụ FBI cảnh báo vào giữa tháng 6, LinkedIn là môi trường ưa thích của scammer tiền mã hóa. LinkedIn là mạng xã hội thuộc sở hữu của Microsoft với hơn 830 triệu thành viên trên khắp 200 quốc gia. Nền tảng là sân chơi của tin tức và xây dựng mối quan hệ kinh doanh. Do đó, mạng xã hội này thường tạo ra cảm giác “an toàn” cho người dùng, tuy nhiên điều này hoàn toàn sai lầm – nhất là trong bối cảnh các hành vi lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi hơn.
Người dùng cũng cần lưu ý rằng các sàn giao dịch hợp pháp thường không yêu cầu khách hàng gửi tiền hay cam kết bất kì khoản phí nào. Thay vào đó, đội ngũ thẩm định của sàn sẽ xem xét kỹ lưỡng dự án chuẩn bị niêm yết về mặt bảo mật, tuân thủ, khung pháp lý và tiện ích tổng thể, sau đó sẽ họp bàn với nhà phát hành để thảo luận các bước tiếp theo.
Cũng trong tối qua, nền tảng Red Alarm của Binance đã gắn cờ 50 dự án có dấu hiệu lừa đảo trên BNB Chain và khuyến nghị nhà đầu tư nên nghiên cứu thận trọng trước khi tham gia vào bất cứ dự án nào.