Trong ghi chú dành cho nhân viên, Andrew Bosworth, người sẽ trở thành giám đốc công nghệ của Meta vào năm 2022, đã đưa ra tầm nhìn cho công ty trong 2022 là áp dụng và làm việc với nhiều lĩnh vực đa dạng hơn trên thị trường tiền mã hóa, chứ không chỉ bị bó buộc bởi phạm vi metaverse.

Bosworth cho biết Meta nên ưu tiên xem xét áp dụng công nghệ blockchain, với lưu ý rằng về cơ bản công nghệ này có thể có tác động sâu sắc đến sự phát triển và bứt phá của Meta so với các đối thủ cạnh tranh trong ngành xuyên suốt một thập kỷ tới.

“Hướng dẫn tổng thể của tôi là nhằm mục tiêu mang lại sự thâm nhập rộng hơn trong thế giới blockchain. Nếu chúng tôi thấy có cơ hội hợp tác với các tổ chức trong không gian Web3, tôi hy vọng đó sẽ là một nỗ lực xứng đáng.”

Bên cạnh đó Andrew Bosworth còn khẳng định Meta nên tìm cách phát triển NFT, là tài sản được xác minh bằng công nghệ blockchain, đồng thời định hướng đầu tư vào các xu hướng mới nổi khác như DeFi hay DAO.

Sự thật thú vị là một trong những thành viên hội đồng quản trị của Meta, Marc Andreessen, người góp phần tạo nên thành công của quỹ đầu tư nổi tiếng Andreessen Horowitz tại Thung lũng Silicon, cũng đã triển khai một quỹ chỉ tập trung đầu tư vào tiền mã hóa mà đa số cộng đồng đều biết đến dưới cái tên quen thuộc a16z.

Thực tế cho thấy trong khi những gã khổng lồ công nghệ khác như Google hay Microsoft vô cùng miễn cưỡng tham gia thị trường, thì Meta đã “tiên phong” thử nghiệm với crypto, bao gồm nỗ lực tạo ra một đồng tiền mã hóa riêng có thể được sử dụng bởi người dùng Facebook và WhatsApp, với tên gọi là Libra, trước khi đổi thành Diem vào cuối năm 2020.